Nhớ ngày 10-3 Âm Lịch con cháu đều hành hương về đất Tổ Hùng vương, uống chén trà thơm sản vật của Phú Thọ để suy ngẫm về nguồn gốc cao quý của Giống nòi mà có những điều nay chỉ còn trong huyền sử. Thắp Hương trước ngôi mộ Hùng vương thứ 6 trong quần thể di tích đền Hùng, con cháu lại lạc vào cõi xa xăm khi nghĩ về những vị tổ của Vua Hùng là Cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ, rồi vua Lộc Tục cha Của Sùng Lãm ( Lạc Long Quân) con của vua Đế Minh và Cháu của Thần Nông. Trên trình tìm về bản thể chúng ta ngỡ ngàng đến thảng thốt khi biết Vị Tổ của người Việt Cổ là người Tìm ra trà ở phía bờ Nam sông Dương Tử. Để hôm nay trên đất tổ Hùng Vương luôn thấm đượm vị trà, thứ tiên dược mà tổ tiên tìm ra nay truyền cho con cháu làm thức uống hàng ngày và là vị thuốc chữa bệnh.
Con cháu Vua Hùng nay toả đi khắp nẻo trên hòn đất tròn và xanh, chu du trong dải ngân hà bát ngát vô tận. Nhưng dù ở nơi đâu từ xứ Sương Mù London hay Sa Mạc Sahara cháy bỏng, thì con cháu luôn nhớ về ngài, quê hương đất tổ kể cả khi phải uống ly trà đã hoá đen vì oxy hoá nơi trời tây hay uống Trà tẩm hương liệu trên những túp lều dựng tạm trên sa mạc suốt chuyến du mục cùng người dân Ả Rập.
Gia nhập vào biết bao hoàn cảnh sống, xâm nhập bao bối cảnh văn hoá, trải qua bao thân phận kiếp người thì mỗi người con máu đỏ da vàng đều nhận ra bản thể thiêng liêng và thuần khiết của Con Lạc cháu Hồng để rồi hướng về quê mẹ bằng sự tôn kính, như tôn kính cõi an tịnh, thiêng liêng nơi linh hồn trú ngụ. Trên hành trình của Tâm Thức đó, mỗi người đều có một bảo bối để không bị lạc đường, không bị lạc vào ma đạo, luôn định vị được đích đến, đó chính là “ Văn hoá trà Việt” trên suốt hành trình tìm về bản thể.
13 Chương cuốn sách “Văn hóa trà Việt” của Hà Huy Thanh đi từ “ Nước Trà đến Đạo Trà”; đi từ cây Trà đến hương vị chén Trà; đi từ cây cỏ đển cả ngành công nghiệp, đi từ sự giải khát đến sự giác ngộ; cuốn sách nói về ánh sáng văn hoá Tình thương cho những ai đang khát khao bước vào cuộc hành trình cao quý và thiêng liêng “ hành trình tìm về bản thể”. Người ta đã đưa thân thể con người ra mổ xẻ vẫn không thể kết luận linh hồn trú ngụ ở đâu, cả thế giới đưa trà làm nguyên liệu chế biến mà vẫn không giải thích được tại sao trong trà có Đạo.
Chỉ có những người tôn kính trà, xem trà như vị minh sư thì mới có cơ duyên nhìn thấy Đạo ở trong trà. Dẫu trong trà có vi chất, trong trà có hoạt chất, trong trà có vi khuẩn lành tính, trong trà có dưỡng chất tốt cho cơ thể, nhưng trà còn chứa đựng nhiều hơn thế, đó là cả trầm tích và di sản văn hoá được tiền nhân dành tặng cho hậu thế, để chúng ta kế thừa và tiếp bước cuộc trường chinh vĩ đại của tổ tiên, cuộc trường chính đi ra thế giới, đi ra vũ trụ bằng cách đi vào khám phá chiều sâu tâm thức của một tiểu vũ trụ trong chính chúng ta. 13 được xem là con số của quỷ, nhưng 13 chương sách trên hành trình giác ngộ đạo Trà thì nó lại trở thành con số của sự may mắn, phải chăng 13 là con số thách thức, liệu Phật tính có hoá giải ma Tính không? Phật lực có đồng hoá được ma lực hay đơn giản là cái thiện sẽ thu phục cái ác như thế nào?
Những ẩn ý sâu xa, những ẩn dụ tinh tế trong cuốn sách cuối cùng lại được cụ thể hoá bằng những gốc trà cổ thụ nghìn tuổi, nhân chứng lịch sử về nòi giống Việt trong mối quan hệ với Thần Nông. Những phân tích cặn kẽ, tỷ mỉ đến tận cùng lại được vẽ lên một khái niệm về văn hoá đáng tự hào của Nước Việt, Đạo Thánh Mẫu. Cuốn sách là một sự khát quát sơ lược về một cuộc hành trình đẹp đẽ, nơi đó con người có được sự thoả mãn về thân thể, tình cảm, trí tuệ và Tâm Linh. Lê Đức Anh Minh