• +84 93 827 6789
  • TPP Tea Premium Place - 44 Đ. Yên Phụ, Trúc Bạch
  • hi.tinhthuong@gmail.com

Đây cũng là nhận định của ông Michele D’Ercole – Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam – Ý đồng thời là CEO của Golden Heritage khi trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập. Theo ông, điều thú vị nhất trong mối quan hệ Việt Nam và Ý đó là hai quốc gia đều có bề dày lịch sử và văn hóa, đây là nền tảng để hai nước kết nối nhu cầu kinh doanh với nhau.

Ông Michele D’Ercole – Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam- Ý đồng thời là CEO của Golden Heritage.

PV: Với tư cách là Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam – Ý (ICHAM) đồng thời là CEO của Golden Heritage, ông có thể chia sẻ điều thú vị mà ông cảm nhận được khi thực hiện các vai trò của mình?

Ông Michele D’Ercole: Hai vai trò mà tôi đảm nhận đều có điểm chung là thực hiện được đam mê của tôi trong việc chia sẻ và tìm hiểu văn hóa của hai đất nước Ý – Việt Nam. Sứ mệnh của tôi tại Golden Heritage là dựa trên trao đổi văn hóa, hướng tới kinh doanh sản phẩm mang tính di sản và các hoạt động đầu tư. Những nhiệm vụ này có thể thực hiện được tốt nhờ sự kết hợp hoàn hảo trong vai trò Chủ tịch ICHAM và CEO của Golden Heritage. Quảng bá văn hóa Ý tại Việt Nam và văn hóa Việt Nam tại Ý là quan điểm kinh doanh của chúng tôi.

Điều thú vị nhất là Việt Nam và Ý đều là hai quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa; đây là nền tảng để tôi có thể đóng vai trò cầu nối giữa hai quốc gia, trong đó kết nối nhu cầu kinh doanh các sản phẩm mang tính di sản và cung cấp các giải pháp về phong cách sống là ưu tiên hàng đầu.

Là một tổ chức hỗ trợ sự kết nối văn hóa giữa hai quốc gia, chúng tôi cũng mang đến các dịch vụ để đảm bảo rằng khách hàng của chúng tôi có thể tham gia kinh doanh trong mảng văn hóa và di sản một cách hiệu quả.

PV: Trải qua gần 50 năm, hợp tác giữa Việt Nam – Ý đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực kinh tế. Hai quốc gia đã ký nhiều hiệp định quan trọng. Theo ông, Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Ý tại khu vực Đông Nam Á? Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác kinh tế, những kết quả đạt được của cộng đồng doanh nghiệp 2 nước trong những năm vừa qua?

Ông Michele D’Ercole: Hoạt động về chính trị và kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Ý đang phát triển rất nhiều trong những năm qua. Chúng ta có thể thấy rằng sự hợp tác giữa các tập đoàn ở 2 nước bắt đầu phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau 10 năm trở lại đây khi chúng ta ký kết quan hệ đối tác chiến lược giữa hai Chính phủ Ý và Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập quan hệ ngoại giao của Ý (năm 2013). Kể từ năm 2012 và 2011, nhiều công ty quan trọng của Ý đã được thành lập tại đây. Điển hình có thể kể đến như nhà Piago, Carvico, Datalogic, … Các công ty này đã đầu tư vào Việt Nam cách đây hơn 10 năm và điều này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam đối với Ý. Hai nước đã có mối quan hệ gắn kết và thân thiết kể từ khi Ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1973.

Với cương vị là Chủ tịch ICHAM, tôi thấy vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế của Ý là vô cùng quan trọng. Việt Nam cũng là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ 2 nước đã bền vững từ trước đại dịch Covid-19. Mặc dù trong việc kết nối giao thương, cũng có những nước có nền kinh tế phát triển mạnh hơn như Singapore, Indonesia, hay Malaysia,.. nhưng Việt Nam vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong mắt các nhà đầu tư và doanh nghiệp Ý.

Kể cả trong chiến lược phát triển kinh tế đối với các nước khác, Ý vẫn thường xuyên ưu tiên lựa chọn Việt Nam. Một trong những lý do của việc lựa chọn đó chính là kể từ khi Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết. EVFTA là Hiệp định gắn kết Việt Nam với 27 quốc qua thuộc Liên minh Châu Âu (EU), và trong đó có cả Ý.

Hiệp định đã ký kết được 2 năm và có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Hiệp định cũng nâng vị thế của Việt Nam vì không phải quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á cũng ký kết Hiệp định này, chính điều đó đã thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ từ Ý vào Việt Nam.

PV:  Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự dịch chuyển nguồn lực quốc tế, theo ông, đâu là cơ hội cho các nhà đầu tư Ý tại Việt Nam và cơ hội cho các nhà đầu tư Việt Nam tại Ý trong giai đoạn này?

Ông Michele D’Ercole: Việt Nam là vùng đất có nhiều cơ hội nhờ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều lĩnh vực để chúng tôi có thể đầu tư. Đầu tiên phải kể đến là nông nghiệp, nhờ công nghệ từ Ý, các nhà sản xuất trong nước có thể nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, tiếp cận với thị trường châu Âu. Tiếp đến là có thể đầu tư vào hệ thống khách sạn tại khắp các địa điểm từ Bắc vào Nam à nơi đây có hơn 3.000km đường biển. Việt Nam còn được biết đến với lòng hiếu khách. Trong tương lai, với việc đường bay thằng nối liền 2 quốc gia, dự kiến du lịch từ Ý sang Việt Nam và ngược lại từ Việt Nam sang Ý sẽ ngày một tăng lên. Ngoài ra Ý cũng là một trong những đất nước xinh đẹp và có nhiều di sản được UNESCO công nhận. Các nhà đầu tư từ Ý cũng có thể đẩy mạnh đầu tư vào nền kinh tế xanh, điều này giúp Việt Nam có thể xử lý chất thải tốt hơn, tạo ra nguồn năng lượng xanh và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Mặt khác, Ý cũng là vùng đất của những cơ hội với bề dày lịch sử, nơi bạn có thể hít thở nền văn hóa và truyền thống trong mọi ngóc ngách của Ý. Ý là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khu vực đồng Euro. Ở Ý, sản xuất là lĩnh vực quan trọng nhất và chiếm 88% tổng sản lượng. Đầu tư vào Ý đồng nghĩa với việc tiếp cận với bí quyết xuất khẩu độc đáo của nước này trong các lĩnh vực như máy móc và tự động hóa, thời trang, thiết kế và thực phẩm.

Rất nhiều lĩnh vực mà người Việt Nam có thể đầu tư như bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp thực phẩm, đồ uống, du thuyền, khách sạn, thời trang, sản xuất, giáo dục, nghiên cứu phát triển, văn hóa, chuyển đổi xanh, số hóa kinh doanh, y tế và dược phẩm.

“Điều khiến tôi yêu thích khi sống và làm việc ở Việt Nam là thời tiết và nụ cười của con người. Đất nước này cuốn hút tôi rất nhiều vì mỗi ngày tôi đều có thể tìm ra điều gì đó mới trong kinh doanh và cuộc sống. Nói về ngành thời trang Việt Nam, ngành có thể học hỏi thêm kinh nghiệm ở nước ngoài, cần quốc tế hơn, cần nghiên cứu thêm về xu hướng của ngành trên thế giới từ kiểu dáng, màu sắc, chất liệu và hơn hết là cần phải luôn cập nhật”, ông Michele D’Ercole chia sẻ.

PV: Ngoài lĩnh vực đầu tư, thương mại thì khoa học công nghệ, văn hóa…cũng được coi là thế mạnh trong hợp tác Việt Nam – Ý. Được biết những thời gian qua,  Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam và Casa Italia đã chủ động, tích cực trong việc giới thiệu, quảng bá văn hóa-nghệ thuật, đất nước, con người Ý tại Việt Nam. Minh chứng rõ nét có thể thấy là dự án mang tên “ÁO DÀI  HERITAGE – THE CULTURE OF TÌNH THƯƠNG” sắp tới được tổ chức. Xin ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của dự án này cũng như những đóng góp của ICHAM trong dự án?

Ông Michele D’Ercole: Đối với một đất nước thì thông thường nền văn hóa sẽ là quan trọng nhất và với Ý hay Việt Nam cũng đều như vậy. Có thể nói, hợp tác văn hóa đóng góp quan trọng vào sự phát triển trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ý.

Tôi đánh giá Việt Nam là quốc gia có nền công nghiệp thời trang lớn với nhiều nhà thiết kế thời trang tham gia nhiều chương trình và sự kiện thời trang. Người Việt yêu thích sự kiện thời trang, nơi mà họ theo dõi các ngôi sao thời trang nổi tiếng. Ở Việt Nam có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp thu hút khán giả và điều này tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thời trang.

Nói về thời trang của Việt Nam thì chắc hẳn phải nói đến tà áo dài, áo dài có rất nhiều ý nghĩa đối với người Việt Nam. Đây là trang phục rất quan trọng mà người Việt Nam mặc trong các ngày lễ hay sự kiện. Đặc biệt khi người Ý đi thăm Việt Nam cũng rất hay mua áo dài để mặc bên Ý. Và tôi đang có suy nghĩ là làm thế nào để nét văn hóa áo dài có thể tồn tại lâu dài trong tiềm thức của người Ý khi nói về Việt Nam chứ không phải chỉ mua về mặc một lần. Điều này khiến tôi mong muốn có thể tìm đến một giải pháp thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa hai nước.

Nói về thời trang của Việt Nam thì chắc hẳn phải nói đến tà áo dài, áo dài có rất nhiều ý nghĩa đối với người Việt Nam.

Và để gìn giữ nét văn hóa áo dài đến con cháu đời sau, tôi đã nghĩ ra ý tưởng là để một người thiết kế thời trang đến từ Ý và một người thiết kế thời trang đến từ Việt Nam cùng gặp nhau. Và 8 ngày trước, họ đã chính thức gặp nhau và trò chuyện để cùng nhau hợp tác trong dự án “ÁO DÀI HERITAGE – THE CULTURE OF TÌNH THƯƠNG (Di sản Áo Dài – Giá trị văn hóa của tình thương)”.

Tôi mong muốn qua dự án “ÁO DÀI HERITAGE – THE CULTURE OF TÌNH THƯƠNG” có thể làm những chiếc áo dài trở nên hiện đại hơn để có thể phổ biến với tất cả mọi người. Tất nhiên bản thân tôi vẫn luôn tôn trọng nét đẹp vốn có của tà áo dài và sẽ không thay đổi quá nhiều. Những nỗ lực này của tôi không chỉ để phục vụ trong dự án này mà còn hướng tới ý nghĩa truyền bá nét đẹp của áo dài trong vòng nhiều năm tới.

“ÁO DÀI HERITAGE – THE CULTURE OF TÌNH THƯƠNG” là một sự kiện mang ý nghĩa giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ý dựa trên giá trị cốt lõi và lợi thế vượt trội của mỗi nước. Một mặt là đưa di sản áo dài Việt Nam vào đời sống thời trang quốc tế, và ngược lại là đưa tinh hoa công nghệ quốc tế của Ý vào tà áo dài truyền thống Việt Nam, từ đó hình thành giá trị mới dựa trên giá trị dân tộc và sức mạnh của thời đại.

Và dự án này cũng đặc biệt ở chỗ, từ trước đến nay chưa ai từng đưa ra sự kết hợp mới lạ giữa một nhà thiết kế người Ý và một nhà thiết kế người Việt vào một buổi trình diễn thời trang. Dự kiến dự án này sẽ bắt đầu từ năm 2023 và diễn ra trong vòng 5 năm. Sự kiện hướng tới mục tiêu tạo ra được một bộ sưu tập 60 tác phẩm áo dài được thiết kế bởi sự hợp tác của các nhà thiết kế thời trang của Việt Nam và Ý. Ngoài ra, dự kiến sẽ có một buổi trình diễn thời trang ở Ý và một buổi ở Việt Nam.

Buổi trình diễn này sẽ không phải là nơi để trưng bày bán các bộ sưu tập áo dài, mà thay vào đó chúng tôi hướng tới mục tiêu là quảng bá nền văn hóa 2 nước. Qua đây để mọi người có thể hiểu rằng, thời trang truyền thống vẫn có thể là mặt hàng trao đổi kinh doanh chứ không phải chỉ là một di tích văn hóa riêng biệt của mỗi nước.

Và tất nhiên mục đích quan trọng nhất là quảng bá nền văn hóa riêng giữa hai nước, nhưng nếu có thể thúc đẩy cả hoạt động kinh doanh từ Ý cũng như Việt Nam thì sẽ là một điều rất tốt và điều đó sẽ giúp khẳng định sự thành công của dự án.

Với mục tiêu tăng cường hợp tác văn hóa giữa Việt Nam – Ý và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023), Golden Heritage sẽ phối hợp cùng Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Rome và Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) để tổ chức sự kiện ÁO DÀI HERITAGE – THE CULTURE OF TÌNH THƯƠNG”. Sự kiện nhằm thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ý trong ngành thiết kế thời trang thông qua sự hợp tác của các Nhà thiết kế thời trang Ý và Việt Nam.

Add Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký nhận thông tin