- by tinhthuong
- Tin tức
DNHN – Năng suất lao động được hiểu là tốc độ tạo ra giá trị gia tăng, tốc độ đưa ra giải pháp cho vấn đề tạo ra hiệu quả và thoả mãn các bên tham gia đặt trong sự phát triển bền vững. Chúng ta (Việt Nam) có năng suất lao động vào loại thấp nhất khu vực, nhưng tại sao chúng ta vẫn có vị thế, vẫn tăng trưởng cao?
Lý do là chúng ta có tài nguyên, di sản mà tiền nhân đã hy sinh, giành lại cho chúng ta và chúng ta có những yếu tố cá nhân đặc biệt suất sắc có khả năng “gánh team”. Năng suất lao động không đồng nghĩa với sự chuyên cần, mặc dù chuyên cần rất quan trọng, năng suất lao động bị quyết định bởi tư tưởng và hệ thống, từ đó đi đến công nghệ, phương thức và sự cộng hưởng của sức mạnh tập thể. Đúng như cổ nhân đã đúc kết “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau nhưng hào kiệt đời nào cũng có” (Nguyễn Trãi).
Vậy chúng ta cùng xem thời nay Việt Nam có hào kiệt không. Tôi khẳng định là có!
Chủ nghĩa anh hùng là gen trội của dân tộc nên thời đại nào, mặt trận nào cũng có những anh hùng, hiện tại trên mặt trận chống thất thoát nguồn lực quốc gia, chúng ta có “người đốt lò vĩ đại”; trên mặt trận điều hành nền kinh tế quốc dân, chúng ta có vị tướng đầy tâm huyết và lao động quên mình; trên vấn đề lập pháp cho một hệ thống khả dĩ chạy được trên đường đua văn minh thời đại chúng ta có vị Chủ tịch Quốc hội đầy trí tuệ và đau đáu cho một hệ thống năng suất cao và đặc biệt trên mặt trận an dân, chúng ta có vị chủ tịch nước rất thiện tâm với nụ cười chan hoà và gần gũi. Ngoài ra, trên khắp mặt trận của hạ tầng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn có những vị tư lệnh ngành đâu đó vẫn đang nỗ lực khẳng định mình và chứng minh sự phù hợp của bản thân với hệ thống trong nỗ lực chung chứng minh sự phù hợp của hệ thống với vòng quay của bánh xe thời đại.
Một câu hỏi được đặt ra. Chủ nghĩa anh hùng có, hào kiệt có tại sao Việt nam tốc độ “hoá rồng” vẫn còn kém xa với các nước trong khu vực? Vẫn là vấn đề năng suất lao động thấp, cao hơn nữa là giá trị gia tăng thấp.
Qua công cuộc đốt lò cho chúng ta thấy được 3 điều: Những vấn đề nhức nhối và trầm kha của hệ thống là nhân sự ở vị trí cao nhưng tầm chưa cao; Vấn đề về tính phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Sức mạnh vĩ đại của cỗ máy hệ thống, cũng như sức ỳ khủng khiếp nếu như người vận hành không đủ năng lực.
Thế giới vận động quá nhanh, khiến cho những khái niệm như “diễn biến”, “suy thoái “trở nên lạc hậu và mang tính chỉ trích, không có ánh sáng của giải pháp. Cái chúng ta cần là “Vận động và chuyển hoá”, hay “Thích nghi và hoá giải” những khái niệm đúng quy luật tự nhiên, quy luật xã hội và quy luật lòng người.
Nhưng điều gì vận động? Thích nghi điều gì? Hoá giải ra sao? Chuyển hoá thế nào? Và hơn hết chúng ta sẽ đi về đâu? Là những câu hỏi mà cần một câu trả lời đủ thông thái, đủ minh triết và đặc biệt là tính thực tiễn cao. Đôi khi chìa khoá cho vấn đề nằm trong tay chúng ta, bông hoa đẹp nhất là bông hoa trong vườn nhà mình, mà vì quá tự ti và hướng ngoại mà chúng ta đã bỏ quên một cách đáng tiếc.
Gần đây, chúng ta có một sự gợi ý rất hay, một sứ loé sáng của nhận thức chung, khi chúng ta có sự đặt vấn đề ở một tầng cao hơn, một cách tiếp cận rất thông thái, đó là văn hoá, “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” – (Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Cách tiếp cận để giải quyết vấn đề dưới góc độ văn hoá là cao cả, nhân văn và triệt để, chính ánh sáng văn hoá giúp chúng ta nhận thức rõ tư tưởng và lựa chọn tư tưởng để thiết lập hệ thống phù hợp. Văn hóa để mỗi người biết tự nhìn nhận đánh giá đúng mình rằng: nếu thấy bản thân không đủ năng lực để ngồi tại vị trí đang được đảm nhiệm thì nên có văn hóa từ chức. Văn hóa từ chức đó chính là một bông hoa đẹp. Họ không đủ trí, đủ tầm để điều hành tổ chức thì năng suất lao động của bản thân còn không có thì làm sao chỉ đạo tốt, truyền cảm hứng cho cấp dưới thực hiện tốt công việc và có được năng suất lao động. Phổ thông hơn nữa, là các cán bộ được nằm trong hệ thống của nhà nước mặc nhiên nhận thức rõ ràng mình phải là người phục vụ, cống hiến, là công bộc của dân, rất phi văn hóa là họ phải phấn đấu được vào hệ thống để tính chuyện “kiếm trác” thì đầu óc nào mà sáng tạo được trong công việc tạo ra được của cải vật chất xã hội càng không thể tăng năng suất lao động ….
Vẫn bàn luận vấn đề Tăng năng suất lao động, tôi xin chia sẻ bổ xung thêm cách tiếp cận dưới góc độ xã hội.
Chúng ta đang sống trong thời đại Hồ Chí Minh và kế thừa những di sản của người để lại, chẳng phải ngẫu nhiên mà xuất hiện một vị Thánh thơ Tố Hữu để nhận ra và truyền lại những thông điệp rung động lòng người. “Bác để Tình thương cho chúng con” .
Di sản phi vật thể nhưng giá trị hơn mọi giá trị vật thể chính là TÌNH THƯƠNG (được viết hoa) để hiểu rằng đó là trí tuệ, là danh từ, đó là tấm lòng, là khát vọng và ánh sáng của văn hoá chứ không chỉ là động từ hay tính từ của trạng thái cảm xúc cá nhân. Tình thương là sự “thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp”.
Tình thương là điểm chung, là điểm mấu chốt, là chìa khoá cho những vấn đề hiện nay, là phương thức để chúng ta giải quyết vấn đề năng suất lao động xã hội. Hiểu đúng và sống với TÌNH THƯƠNG là cách chúng ta có thể thích nghi và hoá giải hay biết cách vận động và chuyển hoá, từ phương diện rèn luyện cá nhân và phát triển xã hội.
Không cần nói đâu xa, tại sao nước Nhật trở nên hùng cường, người lao động Nhật bản có mức lương được chi trả rất cao. Để trả lời câu hỏi trên có nhiều lí giải rất quý cần phải học hỏi trong đó có vấn đề về năng suất lao động. Những ông chủ người Nhật họ coi người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp, nên nước Nhật có nhiều doanh nghiệp tư nhân có tuổi thọ hàng trăm năm. Nhiều doanh nghiệp khi trả lương, mỗi người lao động được nhận lương để trong phong bì, ông chủ đích thân trao cho nhân viên và nói lời cám ơn. Đó chính là TÌNH THƯƠNG, sự trân quý của chủ doanh nghiệp với người lao động. Họ hiểu rằng khi người lao động được trân trọng giá trị bản thân, và có được TÌNH THƯƠNG từ ông chủ thì họ sẽ biết đặt ngược TÌNH THƯƠNG của họ vào doanh nghiệp vào ông chủ, gắn bó tâm huyết với công việc mặc nhiên năng suất lao động sẽ cao, và thu nhập rất cao. Đó chính là giá trị của TÌNH THƯƠNG.
Chủ tịch Tập đoàn CIC Hà Huy Thanh – Nhà đầu tư và phát triển văn hoá