- by tinhthuong
- Tin tức
VHO – Đạo Mẫu có thể coi là một tôn giáo mang tính cổ xưa bậc nhất ở Việt Nam. Đã có một số công trình nghiên cứu về Đạo Mẫu của các nhà khoa học nhìn dưới góc độ tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên nhìn nhận Đạo Mẫu dưới góc độ một tín đồ thì có lẽ phải đến cuốn sách “Đạo Mẫu – Di sản văn hóa của tình thương” của tác giả Hà Huy Thanh, do NXB Văn học ấn hành, vừa ra mắt vào tháng 11.2023, mới là tác phẩm đầu tiên.
Đạo Mẫu trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Trong tín ngưỡng của người Việt và một số dân tộc thiểu số khác, việc thờ Nữ thần, Mẫu thần là phổ biến. Trong cuốn sách “Các nữ thần Việt Nam” của hai tác giả Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chúc (NXB Phụ nữ, 1984) đã giới thiệu đến 75 vị nữ thần có huyền thoại và thần tích được thờ cúng ở Việt Nam. Trong công trình “Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” của Viện Hán Nôm (NXB Khoa học xã hội, 1991) kể đến 1.000 di tích văn hóa thì có đến 250 di tích văn hóa là thờ cúng các vị nữ thần hay nữ danh nhân lịch sử.
Quan niệm của người xưa, cả ở phương Đông và phương Tây, thường gán cho tự nhiên, vũ trụ mang màu sắc tính nữ, bởi tính sinh sôi, nảy nở, che chở, tồn trữ… Có thể kể đến nữ thần Đất Gaia, nữ thần mùa màng Demeter trong thần thoại Hy Lạp, bà Nữ Oa đội đá vá trời trong thần thoại Trung Quốc, nữ thần Isis là mẹ của các vị vua trong thần thoại Ai Cập, nữ thần mặt trời Amaterasu trong thần thoại Nhật Bản…
Nói cách khác, việc tôn thờ nữ thần là sự nhân cách hóa và tôn thờ lực lượng tự nhiên. Biểu tượng cho đất nước, cho quê hương cũng là hình ảnh của người phụ nữ, thủy tổ sinh sôi ra dân tộc cũng nhấn mạnh hình ảnh phụ nữ, chẳng hạn như mẹ Âu Cơ của dân tộc Việt, Mụ Dạ Dần trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường…
Tục thờ Nữ thần trong lịch sử dân tộc Việt Nam có nguồn gốc xa xưa từ thời nguyên thủy, nhưng quá trình biến một số Nữ thần thành Mẫu thần, lịch sử hóa và cung đình hóa thì được đoán định là xuất hiện từ khi có nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ, từ sau thế kỷ X, với việc sắc phong của các triều đình phong kiến. Các lớp Mẫu Tam phủ, Tứ phủ cũng phải sau thế kỷ thứ XV, nhất là sang thế kỷ thứ XVI, XVII, mới thật sự định hình và phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh và thịnh hành Đạo giáo dân gian ở Việt Nam.
Như vậy Tục thờ Mẫu thần, Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (Tam tòa Thánh Mẫu) có quan hệ mật thiết với tục thờ Nữ thần, một hình thức tín ngưỡng sơ khai nhất của dân tộc. Nhưng không phải chúng đồng nhất với nhau. Các Mẫu thần đều là Nữ thần nhưng không phải Nữ thần nào cũng là Mẫu thần. Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tức Tam tòa Thánh Mẫu thật ra là sự phát triển từ những hành vi thờ cúng rời rạc, riêng lẻ, lên thành một hình thức tín ngưỡng, một “đạo” có hệ thống hơn, và trong quá trình đó phải kể đến ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc. Đạo Mẫu ra đời từ đó. Đạo Mẫu so với tục thờ Nữ thần của dân tộc Việt đã có những bước phát triển đáng kể về tính hệ thống, đó là:
– Một tín ngưỡng tản mạn, rời rạc nay đã có một hệ thống tương đối nhất quán về điện thần với các phủ, các hàng. Một điện thần với mấy chục vị đã dần quy về một mối với vị thần cao nhất là Thánh Mẫu, những nghi lễ đã được chuẩn hóa, trong đó việc hầu bóng và lễ hội “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” là những ví dụ điển hình.
– Đạo Mẫu cũng đã cho thấy những nhân tố về một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, một vũ trụ thống nhất chia thành bốn miền (Thiên Phủ, Thoải Phủ, Địa Phủ, Nhạc Phủ) do bốn vị thần cai quản, qua đó có thể thấy được nhận thức của người xưa về thế giới.
– Đạo Mẫu cũng thể hiện một ý thức nhân sinh, ý thức cội nguồn dân tộc, lòng yêu nước, tôn vinh đạo đức… đã được linh thiêng hóa mà Mẫu chính là biểu tượng cao nhất.
Năm 2016, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc) đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự thừa nhận chính thức những đóng góp của Đạo Mẫu vào tiến trình lịch sử văn hóa của Việt Nam.
Đạo Mẫu qua cách nhìn của cá nhân tín đồ
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Đạo Mẫu dưới góc nhìn khoa học. Có thể kể đến công trình “Đạo Mẫu Việt Nam” gồm 2 tập của GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa đã được in và tái bản nhiều lần. GS.TS. Ngô Đức Thịnh còn có các công trình như “Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ”, “Lên đồng: hành trình của thần linh và thân phận” đều tập trung nghiên cứu về đạo Mẫu. Ngoài ra còn có thể kể đến một số công trình khác như: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ – Chốn thiêng nơi cõi thực” do Thạc sĩ Trần Quang Dũng – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội chủ biên, “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam” của TS. Vũ Hồng Vân.
Do vậy cuốn sách “Đạo Mẫu – Di sản văn hóa của tình thương” của tác giả Hà Huy Thanh có thể được xem là một cuốn sách không mang tính nghiên cứu mà đơn thuần chỉ là thể hiện quan điểm, góc nhìn của một tín đồ. Đó là một quan điểm rõ ràng, tường minh về Đạo Mẫu, được thể hiện qua 13 chương sách. Bản thân qua các chương sách có thể thấy tác giả có ý thức khá rõ về việc giới thiệu và tôn vinh Đạo Mẫu. Ở chương 1 tác giả đã lý giải vì sao viết cuốn sách này. Ở các chương sau tác giả lần lượt đề cập đến nguồn gốc của Đạo Mẫu, về nguyên lý thờ cúng, về các nghi lễ, về các kinh điển của Đạo Mẫu, giới thiệu Thánh Mẫu Liễu Hạnh như là vị thần chủ của Đạo Mẫu. Những điều tác giả Hà Huy Thanh đề cập đến về đặc trưng của Đạo Mẫu là rất quen thuộc với người dân Việt Nam, nay được hệ thống hóa và sắp xếp lại. Những chương cuối sách tác giả Hà Huy Thanh dành cho việc lý giải vì sao Đạo Mẫu song hành cùng với đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam và đặt vấn đề tôn vinh Đạo Mẫu như là một di sản văn hóa của tình thương.
Phần đóng góp chính của tác giả nằm ở những chương cuối này, với một quan điểm mang tính nhân văn. Tác giả Hà Huy Thanh khẳng định: “Đạo Mẫu cũng lặng lẽ đồng hành cùng dân tộc; khi Tổ quốc lâm nguy, cần các vị anh hùng, lúc đó những người con của mẹ lại được Mẫu hiệu triệu, từ khắp nơi hội tụ về để rồi làm nên những chiến thắng tưng bừng, lòng người sáng trưng, non sông gấm vóc lại được rạng rỡ. Đạo Mẫu là đạo duy nhất cho đến nay kể cho chúng ta nghe lịch sử dân tộc từ thuở hồng hoang, nguồn gốc tổ tiên, cách tổ tiên ta tồn tại gây dựng giống nòi, thích nghi và hóa giải hoàn cảnh để có con cháu bình an hôm nay. Học về Đạo Mẫu là học để có nhận thức về “hồn thiêng sông núi”, giác ngộ của Đạo Mẫu là giác ngộ về sức mạnh diệu kỳ của “hồn thiêng sông núi”. (“Đạo Mẫu – Di sản văn hóa của tình thương”, NXB Văn học, 2023, trang 104, 105).
Có một điều cũng cần lý giải thêm khi tác giả Hà Huy Thanh đề cao Đạo Mẫu với tư cách một tín đồ. Người Việt Nam hầu như không có tôn giáo nội sinh bản địa mà chỉ có những tôn giáo ngoại lai du nhập vào và dần trở thành quen thuộc với người Việt. Đó là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo v.v… Đạo Mẫu có lẽ là một tôn giáo nội sinh hiếm hoi của bản địa, không liên quan gì đến yếu tố nước ngoài và gắn liền với lịch sử dân tộc Việt qua những nhân vật thánh thần vừa mang màu sắc huyền thoại, truyền thuyết, vừa có bóng dáng trong lịch sử. Do vậy, Đạo Mẫu xứng đáng được nhìn nhận và đánh giá thêm về vai trò của nó trong lịch sử.
Với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tác giả Hà Huy Thanh dành cho một chương riêng biệt với nhận định: “Nếu như Tổ Mẫu Âu Cơ có công sinh ra trăm họ, thì Mẫu Liễu Hạnh đã tổ chức trăm họ thành một Hội đồng Thánh, được tổ chức chặt chẽ với các chức năng nhiệm vụ khác nhau, vừa đóng vai trò bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu, vừa giúp dân trước các hiểm họa và tổ chức phát triển đời sống”. (“Đạo Mẫu – Di sản văn hóa của tình thương”, NXB Văn học, 2023, trang 78). Quan điểm này là đúng đắn bởi vì hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh có sức thu hút mạnh mẽ đối với suy nghĩ, tình cảm của người Việt. Cuộc đời của Bà là sự thể hiện cho những khát vọng của con người, đặc biệt khả năng ban phúc giáng họa, khuyến thiện trừng ác luôn là điều hấp dẫn đối với con người, nhất là trong một giai đoạn đầy biến động xã hội như ở thế kỷ XVI, XVII và XVIII, với sự chia cắt tranh giành giữa Lê – Mạc, rồi Trịnh – Nguyễn phân tranh, rồi chiến tranh xâm lược. Phật dạy chúng sinh cần từ bi hỉ xả, nhẫn nại chịu đựng. Lão giáo khuyên chúng sinh lui về ở ẩn, tránh tiếng thị phi. Nho giáo dạy con người trung hiếu tiết nghĩa, nhưng những điều ấy vẫn chưa đủ vì tâm thức con người vẫn khát khao về một sự công minh, gia ân cho người nghèo, trừngphạt kẻ ác.
Hình tượng Mẫu Liễu Hạnh của Đạo Mẫu ra đời, đáp ứng được khát vọng về một lẽ công bằng vĩnh cửu. Và điều này lại phù hợp với đông đảo tầng lớp bình dân, biết đến thần linh qua những lời kể truyền miệng, những truyền thuyết gần gũi, chứ không phải là những giáo lý cao siêu. Sự tôn sùng Thánh Mẫu Liễu Hạnh bắt nguồn từ nhu cầu tâm linh của số đông người dân, và từ tác động của một số yếu tố xã hội bên ngoài. Sự tôn sùng ấy cũng bắt nguồn từ nhu cầu có một tôn giáo hoàn chỉnh của riêng dân tộc Việt, và truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh ra đời kịp thời, đúng vào thời điểm đạo Mẫu đang có những bước phát triển để trở thành một hệ thống hoàn chỉnh.
Karl Marx nói về tôn giáo trong tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hegels” (A Contribution to the Critique of Hegel’s Philosophy of Right), ra đời năm 1844 như sau: ““Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là linh hồn của những tình cảnh không có linh hồn. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. (Religion is the sigh of the oppressed creature, the heart of a heartless world, and the soul of soulless conditions. It is the opium of the people.). Nổi tiếng và thông dụng nhất vẫn là câu: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” mà nguyên bản tiếng Đức là “Sie ist das Opium des Volkes”.
Ở Việt Nam có lẽ hầu hết mọi người đều chỉ biết đến câu cuối cùng trong đoạn văn đó: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Ở thời điểm giữa thế kỷ 19, thuốc phiện ở phương Tây thường được sử dụng là thuốc giảm đau trong y học, chứ không phải là thuốc gây nghiện. Nên hiểu câu “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” trong bối cảnh xã hội, lịch sử của thời đại đó. Tác dụng nâng đỡ tinh thần con người của các tôn giáo thì đã rất rõ ràng. Bản thân toàn văn câu nói của Karl Marx tập trung vào hai vấn đề chính: nguồn gốc tôn giáo (xuất phát đời sống đau khổ về vật chất hay tinh thần của con người) và chức năng của tôn giáo (thứ thuốc giảm đau của con người). Nhưng chính vì là thuốc giảm đau nên gây ra nhiều tranh cãi. Là thứ thuốc xoa dịu, mang lại bình yên cho tâm hồn, trái tim con người trước thực tại khắc nghiệt hay là khiến người ta đi vào giấc ngủ u mê không lối thoát? Câu trả lời là: đã là thuốc thì dùng đúng liều, đúng bệnh là tốt nhất, còn mọi sự lạm dụng quá mức đều không tốt, nhất là thuốc giảm đau!
Do vậy nếu nhìn Đạo Mẫu dưới góc độ một tôn giáo của tình thương, mang lại sự động viên an ủi cho tinh thần mỗi con người, là một thứ “vũ khí tâm linh” để phục vụ cho cuộc sống của con người và sự gắn kết, phát triển của dân tộc, bỏ qua những yếu tố mê tín dị đoan như tác giả Hà Huy Thanh đề cập, thì có lẽ đó là sự nhìn nhận xứng đáng cho vai trò của Đạo Mẫu.
Hà Thanh Vân