• +84 93 827 6789
  • TPP Tea Premium Place - 44 Đ. Yên Phụ, Trúc Bạch
  • hi.tinhthuong@gmail.com

Trên trái đất này, vì Nam Cực và Bắc Cực rất lạnh, quanh năm băng giá nên sự sống con người và thành tựu của loài người được thế hiện ở văn hoá và văn minh lại được diễn ra ở Phương Đông và Phương Tây.

Mặt trời mọc từ hướng Đông, nguồn gốc của loài người cũng từ Châu Á. Văn hoá Phương Đông có từ rất sớm và cội nguồn văn hoá nhưng với thành tựu về khoa học, công nghệ, chứng minh sự văn minh thông qua sự phát triển đến mức công nghiệp thì đến tận thế kỷ 18, khái niệm cách mạng công nghiệp do Phương Tây, cụ thể là nước Anh đưa ra mới phổ biến rộng rãi trong đời sống.

Từ điển Wikipedia cho rằng:

“Cách mạng công nghiệp hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất; là sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa và kỹ thuật, xuất phát từ nước Anh sau đó lan tỏa ra toàn thế giới.[1] Trong thời kỳ này, nền kinh tế giản đơn, quy mô nhỏ, dựa trên lao động chân tay được thay thế bằng công nghiệp và chế tạo máy móc quy mô lớn. Tên gọi “Cách mạng công nghiệp” thường dùng để chỉ giai đoạn thứ nhất của nó diễn ra ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Giai đoạn hai hay còn gọi là Cách mạng công nghiệp lần thứ hai tiếp tục ngay sau đó từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Ảnh hưởng của nó diễn ra ở Tây Âu và Bắc Mỹ trong suốt thế kỷ 19 và sau đó là toàn thế giới. Mô hình động cơ hơi nước của James Watt. Sự phát triển máy hơi nước khơi mào cho cuộc cách mạng công nghiệp Anh.

Ý kiến về thời gian diễn ra Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất không thống nhất, nhưng nói chung là ở nửa cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu với sự phát triển sản xuất hàng hóa của ngành công nghiệp dệt.[2] Sau đó, với nhu cầu cung cấp máy móc và năng lượng cho công nghiệp dệt, các kỹ thuật gia công sắt thép được cải thiện và than đá sử dụng với khối lượng lớn. Thương mại mở rộng tạo điều kiện cho sự ra đời của kênh đào giao thông và đường sắt. Bên cạnh đó, đường giao thông được nâng cấp lớn cho hoạt động giao thương nhộn nhịp. Động cơ hơi nước sử dụng nhiên liệu than và máy móc dẫn động bằng cơ khí đã đưa đến gia tăng năng suất lao động đột biến. Sự phát triển các máy công cụ trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 19 tạo thuận lợi cho lĩnh vực chế tạo máy, phục vụ những ngành sản xuất khác.”

Cho đến nay đã có bốn cuộc cách mạng Công nghiệp.

Vậy cây chè, ngành trà cũng nằm trong quy luật này, chịu sự chi phối của quy luật này giống như bao sản phẩm khác. Mỗi thời đại sẽ có cách bảo tồn, thu hoạch, nuôi trồng, chế biến và sử dụng trà một cách khác nhau.

Tôi viết những dòng này là đang trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có nghĩa là tôi có thể: tiếp tục viết sách bằng một ngón tay phải, với việc gõ liên tục các suy nghĩ trên một ứng dụng ghi chép của điện thoại thông minh Iphone, tra cứu các thông tin còn đang khúc mắc, gửi thư điện tử cho bạn bè xin ý kiến, đặt hàng mua mấy loại trà mình thích, đăng lên mạng xã hội các sản phẩm nhà máy vừa chuyển lên, chia sẻ suy nghĩ lên mạng Internet và tìm đối tác hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp trà khi mọi thứ thậm chí….còn trên ý tưởng!

Ngành công nghiệp được hiểu là:

“Công nghiệp, là một bộ phận của nền kinh tế, là lĩnh vực sản xuất hàng hóa vật chất mà sản phẩm được “chế tạo, chế biến, chế tác, chế phẩm” cho nhu cầu tiêu dùng hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh tiếp theo cho cuộc sống loài người trong sinh hoạt. Đây là hoạt động kinh tế, sản xuất quy mô lớn, được sự hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ của các tiến bộ về công nghệ, khoa học và kỹ thuật.”

“Một nghĩa rất phổ thông khác của công nghiệp là “hoạt động kinh tế quy mô lớn, sản phẩm (có thể là phi vật thể) tạo ra trở thành hàng hóa”. Theo nghĩa này, những hoạt động kinh tế chuyên sâu khi đạt được một quy mô nhất định sẽ trở thành một ngành công nghiệp, ngành kinh tế như: công nghiệp phần mềm máy tính, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp giải trí, công nghiệp thời trang, công nghiệp báo chí, v.v.”

Từ TEA trong tiếng Anh là từ viết tắt của từ Transporte de Ervas Aromaticas, có nghĩa là Vận chuyển Hương liệu Thơm) rồi sau được viết tắt là T.E.A – cái tên quen thuộc mà người dân phương Tây vẫn dùng để gọi trà cho tới bây giờ.

Chúng ta biết rằng chẳng có cây chè nào mọc ở nước Anh, hay Châu Âu, mà đều vận chuyển đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác thông qua hoạt động buôn bán. Và khi nước Anh chưa buôn bán trực tiếp với các quốc gia sản xuất trà thì họ phải mua qua các thương lái Hà Lan, Bồ Đào Nha. Thậm chí công Chúa Catherine của Bồ Đào Nha khi lấy vua Charles III của Anh Quốc thì của hồ môn quý giá không thể thiếu là trà. Chữ T.E.A là chữ viết tắt trên những thùng trà được chuyển đến nước Anh cho Hoàng Hậu.

Nhưng ý thức về vai trò của trà thì người Anh tỏ ra đặc biệt xuất sắc với câu ngạn ngữ:

 “Nước Anh có thể thiếu Nữ Hoàng nhưng không thể nào thiếu trà được”

Thế mới thấy bằng sự văn minh, con người sẽ biết trân trọng sản vật thiên nhiên ban tặng và sử dụng nó ở một vị thế xứng đáng nhất.

Được vận chuyển đến và phải mua với giá rất đắt do qua nhiều khâu trung gian trong hoạt động thương mại nên người Anh lại càng biết tràn quý để làm cho trà trở thành một nét văn hoá ẩm thực đặc sắc của họ. Ngày nay các thương hiệu trà của Anh còn nổi tiếng và có giá trị thương mại cao hơn rất nhiều của Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ. Ngày nay, không chỉ Anh mà cả Châu Âu đều thích trà, mức độ tiêu thụ này ngày càng tăng, theo số liệu ủy ban chè quốc Tế năm 2021-2013 là 229.000 tấn/ năm. Châu Âu đã giúp thế giới có thêm một ngành công nghiệp mới, ngành công nghiệp chè nhờ việc họ mở rộng tiêu thụ, đầu tư chế biến bằng máy móc hiện đại và kéo theo sự phát triển các vùng nguyên liệu và thậm chí đã gây ra chiến tranh với các nước có xuất khẩu chè.

Để hiểu về tiềm năng của ngành công nghiệp trà thì chúng ta nên thoát hết ra khỏi những nhận thức cũ, những quan niệm cũ, những mô thức cũ để thấy ít nhất 5 ngành công nghiệp khác có thể tương tác và cùng nhau đi lên như:

– Đồ gốm

– Bàn ghế, nội thất

– Hội hoạ

– Bao bì

– Du lịch sinh thái trà

          Trà và đồ gốm:

Trong dân gian có câu, “Y phục xứng kỳ đức” – một hộp trà ngon, trở nên ngon hơn nếu được đựng trong một hộp gốm đẹp, và phù hợp. Đây là ngành công nghiệp tạo ra nét đặc sắc của vùng miền, vì để làm được gốm sứ đẹp thì phải có vùng nguyên liệu tốt và nghệ nhân lành nghề.

Dân gian có câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ ẩm, ngũ quần anh”. Năm yếu tố quan trọng của một bữa trà ngon thì ấm, và chén chiếm đến hai. Hai thứ đó chủ yếu làm bằng đồ gốm sứ, vậy nên phát triển ngành trà tất yếu sẽ phát triển thêm ngành gốm sứ.

Ngành gốm sứ là một ngành mà Việt Nam rất có tiềm năng. Chúng ta có những làng gốm nổi tiếng như gốm Bát tràng, gốm Chu Đậu, nhưng để phát triển thành một ngành công nghiệp như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ thì chúng ta cần đầu tư không chỉ tiền bạc mà là tư tưởng, văn hoá, triết lý và ngành trà hội đủ những yếu tố đó để phát triển ngành gốm.

Hiện tại chúng ta đang lãng phí tài nguyên, nguồn nhân lực và năng suất lao động ở tất các các ngành và đều tìm sự đổ lỗi cho cơ chế và phương thức vận hành nền kinh tế của chính phủ, hay phương thức sở hữu tư liệu sản xuất. Câu chuyện giống như có một con voi bị xích lâu ngày trong vườn bách thú, bị xích năm này qua năm khác, nó đã nhiều lần giật ra nhưng nó đau vì bị dây xích giật lại, lâu dần nó từ bỏ ý định thoát ra khỏi gốc cây. Đến khi dây xích bị rỉ rét theo thời gian rồi đứt gãy nhưng con voi vẫn không dám bứt ra nữa. Nó vẫn cứ luẩn quẩn buồn bã đến bạc nhược bên gốc cây và sợi dây xích yếu ớt.

Với công nghệ thông tin và truyền thông, với toàn cầu hoá, sở hữu trí tuệ được công nhận, điều kiện kinh doanh đã khác xưa rất nhiều. Nền tảng để sản xuất thời kinh tế tri thức, với công nghệ 4.0 thì thể chế là phương thức điều hành mang tính quản lý hành chính và nó không thể quyết định năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Cái sợi dây xích ràng buộc chính là tư duy cũ kỹ và lạc hậu của chính chúng ta mà thôi.

Vậy nếu không bị ràng buộc thì chúng ta sẽ phát triển như thế nào?

Có một thứ vũ khí hay nói đúng hơn là một nguồn năng lượng giúp chúng ta vượt qua mọi sự định kiến, mọi sự kìm kẹp, mọi niềm tin sai trái chính là ánh sáng văn hoá.

Tại sao các nước khi phát triển ngành trà lên một tầm cao thì được gọi là Trà Đạo, hay văn hoá Trà Đạo, như Trà Đạo Trung Quốc, Trà Đạo Nhật Bản, Trà Đạo Hàn Quốc…, mặc dù rượu còn có trước cả trà nhưng không có Rượu Đạo hay Cafe Đạo mà chỉ có Trà Đạo?

Có nhiều sự nhầm tưởng đạo là cung cách phục vụ, cung cách thiết kế không gian uống trà, quy trình thưởng thức. Cái đó chỉ là mặt biểu hiện ra bên ngoài, là lớp vỏ. Nó không phản ánh bản chất. Đạo chính là con đường, khi thưởng thức trà một cách đúng đắn thì trong đó có chất thiền, sự quán niệm, sự tự nhận thức, sự thấu hiểu giúp chúng ta ngộ ra con đường, đấy chính là Đạo. Đạo ở đây là tìm thấy một con đường, văn hoá Trà Đạo là thứ văn hoá giúp con người thưởng thức trà và tìm ra cho mình một con đường.

Khi tôi viết những dòng này thì chính trà giúp tôi tìm thấy con đường phát triển ngành công nghiệp trà cho nước Việt và kéo theo các ngành công nghiệp khác như công nghiệp bao bì, công nghiệp gốm sứ, công nghiệp đồ gỗ, nội thất, công nghiệp du lịch, hội hoạ thư pháp, bất động sản sinh thái trà. Con đường đấy, trà không thể đi một mình mà phải đi cùng các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan. Chúng ta có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, đới khí hậu, địa chất, thổ nhưỡng để phát triển được vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, toàn cầu hoá, đầu tư và thương mại quốc tế giúp chúng ta tiếp thu các công nghệ chế biến của thế giới. Tinh hoa của công nghệ chế biến thế giới đã được chúng ta hấp thụ để đưa những sản phẩm trà đẳng cấp thế giới từ nguyên liệu là cây chè truyền thống của địa phương.

Con đường Trà Đạo Việt được khởi tạo, soi đường và dẫn dắt bởi chính văn hoá Việt. Chỉ có hướng tới văn hoá Việt thì chúng ta mới tìm ra được con đường phát triển trà Việt, lúc đó chúng ta có Trà Đạo Việt.

Lâu nay chúng ta phát triển kinh tế với quan niệm phải có nguồn lực sản xuất, tư liệu sản xuất, cụ thể là vốn. Vậy tại sao bây giờ chúng ta đã có hết những yếu tố đó rồi mà vẫn không phát triển được trà Việt? Vì chúng ta thiếu ánh sáng văn hoá, nếu không có nó, trà mãi chỉ là một thức uống thiên nhiên, một loại thảo dược và được bán một cách đơn sơ với giá rẻ mạt cho thương lái nước ngoài, để rồi chúng ta phải mua lại thành phẩm sau chế biến với giá đắt lên hàng trăm đến hàng nghìn lần rồi chính ta lại làm sứ giả đi truyền thông cho thương hiệu của họ.

Trà trong nước thì không được chế biến tinh, chỉ là sơ chế với sự đóng gói sơ sài, không có sự đặc sắc, thì nói gì đến truyền đạt thông điệp hay truyền tải những giá trị cao quý khác.

Giá trị sử dụng và giá trị trao đổi của trà là yếu tố cơ bản giúp trà có thể hình thành nên một ngành công nghiệp, những giá trị văn hoá giúp chúng ta có thể đưa trà trở thành một sứ giả văn hoá, truyền tải những giá trị mà các sản phẩm khác không thể làm được. Trà có thể kết hợp với rất nhiều thức uống khác và xâm nhập vào mọi quốc gia, mọi miền lãnh thổ, mọi nền văn hoá. Chúng ta hơn 6 tỷ dân trên toàn cầu có thể khác nhau về nhiều thứ nhưng dễ dàng chia sẻ cùng nhau một tách trà và từ đó có thể có sự thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp cho nhau. Tôi gọi đó là văn hoá Tình thương.

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký nhận thông tin