Trà là một loài thảo dược xuất hiện trên trái đất từ rất xa xưa, mọc tự nhiên ở các vùng đồi núi và đặc biệt ở vùng núi càng cao thì càng có nhiều gốc trà cổ thụ và những nơi càng lạnh thì trà càng ngon. Có những gốc chè có thể sống được trên dãy núi Himalaya ở độ cao trên 5000m so với mực nước biển, rất ngon và quý hiếm. Tuy nhiên các cây trà cổ thụ lại chỉ tìm thấy ở Châu Á, mặc dù ở Kenya, một quốc gia ở phía Đông Châu Phi cũng có cây chè nhưng không có chè cổ thụ như ở các nước châu Á.
Điều đặc biệt là ở Việt Nam, có những rừng chè cổ thụ trong dãy Hoàng Liên Sơn, trải dài trên 180km ở các tỉnh Tây Bắc. Trong đó có những nơi được thế giới công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu như cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang, vì ở đó tìm thấy các di chỉ khảo cổ chứng minh đã tồn tại 500 triệu năm và thổ nhưỡng đặc biệt trù phú vì trước đây là đáy biển. Vì những biến động địa chất mà trở thành đỉnh núi quanh năm tuyết phủ. Những gốc chè ở đây rất đặc biệt, vô cùng quý hiếm và vị trà thì đặc biệt thơm ngon và các vi chất trong đó thì khác với các giống chè ở vùng đồi núi thấp.
Chè được con người biết đến nhiều hơn khi nó trở thành vị thuốc quý từ trong truyền thuyết về Thần Nông, một vị thần đầu thai xuống làm người, dạy con người làm nông, gốm và tìm ra các dược liệu từ thiên nhiên. Ông sinh năm 3220 TCN và mất 3080 TCN, khi đó các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam còn chưa hình thành biên giới phân biệt như ngày nay và cả châu Á là một giải gồm rất nhiều bộ lạc và Thần Nông được xem là ông tổ của tộc người Việt lẫn người Hán sau này vì sự khai sáng và chỉ dạy của ông để con người thời đó có thể tồn tại và sinh sôi cùng với thiên nhiên.
Vậy là chè được chế biến thành trà từ 5000 năm trước, từ thời Thần Nông và con người châu Á đã phát triển cùng với việc uống trà từ Thần Nông.
Thần Nông là vị thần của nền văn minh lúa nước với nguồn sống từ hái lượm, ông đã thử rất nhiều cây cỏ để xác định các cây thuốc. Khi dạy người dân ăn chín uống sôi, trong một lần đi rừng, đun nước uống thì lá một loại cây rơi vào, nước đang đun đổi màu, mùi hương bốc lên, và uống vào thấy vị rất đặc biệt. Sau đó có thể khoẻ ra, cho người bệnh uống thấy bệnh tiêu tan. Từ đó Thần Nông dạy người thời cổ đại thu lượm chè, phơi khô và chế biến thành các vị thuốc. Vì thế trà có thế gọi là Thần Dược, một dược liệu được tìm ra từ vị Thần.
Trà đi cùng văn minh Châu Á, khi khoa học kỹ thuật phát triển, trà được chế biến tinh xảo hơn, từ phơi, sấy, vò….lưu trữ bảo quản có công nghệ hơn, trong đó có công nghệ lên men tự nhiên (dùng vi sinh trong chính lá chè) đã tạo nên những dòng chè ngon nổi tiếng thế giới.
Đến thế kỷ 17, khi người Anh xâm lược Ấn Độ thì chè lại được người Châu Âu mang về và thưởng thức theo cách của Châu Âu và phát triển nó thành một sản phẩm thương mại có giá trị trao đổi lớn và giá trị sử dụng rộng rãi hơn.
Việt Nam chúng ta có một ưu thế đặc biệt về chè mà thế giới không thể có được. Đó là chúng ta được thừa hưởng những gì tốt nhất về trà từ vùng nguyên liệu, phương thức chế biến và cách thưởng thức từ thiên nhiên và văn minh nhân loại. Trong lịch sử xâm lược của các nước đến dân tộc ta, từ Trung Quốc, Mông Cổ, Pháp, Nhật, Mỹ thì họ đều dùng những những người giỏi nhất, phương thức tinh vi nhất từ ngoại giao, quân sự đến thương mại, và sản phẩm trà đồng hành cùng hành trình thôn tính của họ và sứ mệnh chiến thắng của chúng ta. Chính vì vậy, theo một cách tự nhiên, cách chế biến trà, cách bảo quản trà, cách thưởng thức trà, chúng ta được giao lưu với họ từ rất sớm ở cấp cao nhất là vua chúa, tướng lĩnh, tăng lữ, nhà ngoại giao, nhà văn hoá đến quân lính và người dân. Chẳng có gì về trà mà thế giới biết mà chúng ta không biết. Ngoài ra, chúng ta có cách uống trà cực kỳ linh hoạt và kết tinh của văn minh trà thế giới và văn hoá Việt để thành Văn hoá trà Việt.
Trà là thức uống mà bậc chí tôn đến kết thảo dân đều dùng và đều tôn kính, từ cách chế biến, bảo quản đến thưởng thức. Mặc dù chung một nguồn gốc nhưng sự phát triển của trà lại phụ thuộc vào văn hoá của người ứng xử với cây chè. Có những cây trà cổ thụ hàng nghìn năm được chặt phá để làm gỗ bởi những tên lâm tặc. Tôi đã tận mắt chứng kiến những người dân vùng núi vì đói ăn mà chặt cây chè cổ thụ hàng tràm năm để làm….ruộng bậc thang ở Hà Giang vào những năm 2000 của thế kỷ 21 này.
Tôi cũng thấy những hộp chè Ô Long được để mốc meo trong mật thất của thiền sư hay những ấm chè quý được pha theo cách uống chè chát của người dân lao động, hay căng tin sinh viên thời tôi đi học, mà việc đó lại được thực hiện ngay tại nhà riêng hay phòng làm việc của những vụ quan chức cao cấp, được coi là đức cao vọng trọng.
Nếu chúng ta hiểu nguồn gốc của chè thì chúng ta sẽ có cách ứng xử phù hợp với chè, nếu chúng ta không hiểu chúng ta sẽ ứng xử rất thô bạo và từ pha chè thành…phá chè.
“Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể, uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến” (Tuệ Tĩnh)
“Trà là loài cây tốt ở phương Nam, câu như cây Qua lô, lá như lá Chi tử, hoa như hoa bạch Tường vi, quả như quả cây Banh lư, nhị như nhị hoa Đinh hương, mùi vị rất hàn” (Lê Quý Đôn)
Từ rừng nguyên sinh, con người đã đưa hạt giống về trồng thành các đồi chè gần đồng bằng hơn và hình thành các xưởng chế xuất với số lượng lớn và đưa ra thị trường. Khi nhu cầu về chè càng lớn thì việc trồng chè trở nên quy mô hơn, trên diện tích rộng hơn mà trong thơ ca ta thấy.
“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát
Chuyến Phà dào dạt bến nước Bình ca”
(Ta đi tới – Tố Hữu)
Chè tự nhiên qua tư tưởng và lao động con người trở thành sản phẩm của xã hội, điều đó không chỉ ở nước ta mà khắp nơi trên thế giới đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Sri Lanka, Kenya, rồi xuất khẩu thành phẩm đi khắp thế giới, phục vụ nhu cầu chữa bệnh, dinh dưỡng, thức tỉnh, giải khát, giao lưu văn hoá của thế giới.
Có một số nơi, trà như một loại tài sản có giá trị lưu trữ cao và sáng hơn cả các loại vật liệu quý như vàng, bạc, kim cương, có những cuộc chiến trành, xung đột gây ra vì sự tranh giành quyền sở hữu, đầu tư và thương mại trà.
Vào khoảng thế kỷ thứ 8, một người là Lục Vũ của Trung Quốc đã viết cuốn “Trà Kinh” và Lư Đồng soạn ra “Trà Ca” nhằm ca ngợi và hướng dẫn cách dùng trà.
Tại sao trà lại có tên là trà, có ý kiến cho rằng cũng do nguồn gốc từ Thần Nông, do ngài luôn đi tìm thảo dược cứu dân, làm thuốc cho dân nên ngài phải thử rất nhiều loại cây cỏ, có khi là độc dược. Ngài phát hiện ra trà có tác dụng giải độc, tẩy rửa chất độc nên viết xem như là một chất kiểm tra (tra) nên trà được gọi là trà.
Khi dành một chương trong cuốn sách để nói về nguồn gốc của trà, tôi muốn cùng quý vị bàn đến một khía cạnh khác, không chỉ là nguồn gốc lịch sử, năm tháng ra đời mà là tại sao lại ra đời, ra đời như thế nào? Sứ mệnh là gì?
Tại sao trong vô vàn thức uống thì trà lại có một sự yêu thích rộng rãi, ở nhiều giai tầng khác nhau, nhiều bối cảnh xã hội khác nhau như vậy? Trà đi từ cung điện nguy nga đến quán cóc heo hút làng quê. Trà được sử dụng cho đấng quân vương, bậc giác ngộ đến tù nhân, người cùng khổ?
Vậy nên khi nói về nguồn gốc của trà tôi không nhấn mạnh đến tính lâu đời về mặt khởi thủy mà tôi muốn nói đến nguồn gốc tâm linh của trà, điều này sâu xa và dài rộng hơn nguồn gốc của một loài thực vật có tên là trà. Trên thế giới hiện nay, theo các nghiên cứu về cây thông ở một dãy núi ở California – Mỹ. “Nhà nghiên cứu Schulman quyết định đặt tên cho cây thông này là Methuselah, theo tên của người đàn ông có tuổi thọ cao nhất trong Kinh Thánh. Nhân vật Methuselah chỉ sống đến 969 tuổi, còn cây thông này vào thời điểm phát hiện năm 1957 đã 4789 tuổi.
Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã công nhận đây là cây có tuổi đời lâu nhất thế giới, vẫn bám bộ rễ nguyên bản của mình tại nơi nó mọc lên từ hơn 4800 năm trước. Để bảo tồn và gìn giữ loài cây cổ xưa nhất, vị trí của cây Methuselah vẫn là bí mật và không tiết lộ cho công chúng. Vậy nên trà có thủa đời trước đó rất lâu của mốc 5000 năm. Nguồn gốc tâm linh của trà chính là tâm hồn của người uống trà. Có người uống trà chỉ để giải khát, có người uống trà để tỉnh táo thậm chí là tỉnh ngủ, có người uống trà để suy nghĩ, có người uống trà như một loại tiên dược và có người uống trà như một cách để thiền định, có người uống trà như một thói quen, có người uống trà như một hoạt động văn hoá. Điểm chung là họ đang tìm về tâm hồn để hướng tới khám phá một bản thể khác sâu xa hơn, nhiệm màu và vi diệu hơn gọi là linh hồn. Linh hồn là vĩnh cửu và bất diệt, tâm hồn là thành tựu được xây dựng từ chính cuộc sống và nó sẽ chuyển hoá thành những ý niệm khi chúng ta chết đi.
Uống trà là chăm sóc nguồn gốc của tâm hồn, là cách thức làm tâm hồn trở nên ý vị và phong phú bằng khám phá chính chiều sâu của nội tại bản thân. Giống như chúng ta đào giếng và tìm được mạch ngầm phun nước ra. Vậy nên theo tôi, nguồn gốc của trà là khi con người ý thức được việc bảo vệ sức khỏe, dùng trà như một loại tiên dược cho việc bảo vệ sức khỏe và sự trù phú của tâm hồn. Trà cũng là cách đưa chúng ta đến gần hơn với cội nguồn của Tâm linh.
Lịch sử của trà cũng tương đồng với lịch sử nước Việt, vậy phải chăng có mối liên hệ giữa nguồn gốc của trà và nguồn gốc nước Việt?
Đấy là tràn trở, băn khoăn mà tôi luôn đau đáu, và hy vọng rằng trong quá trình viết cuốn sách này tôi sẽ tìm ra. Mặc dù tại thời điểm khi viết những dòng này lúc 21h43 ngày 13/01/2021 tức ngày mồng 1 tháng 12 năm Canh Tý thì vẫn chưa tìm ra manh mối nào.
Nhưng rõ ràng nếu tổ tiên người Việt chúng ta là Thần Nông – cháu 3 đời của Thần Nông là vua Đế Minh đi vào Phương Nam gặp một nàng tiên rồi đẻ ra Lộc Tục. Lộc Tục làm vua Phương Nam – đặt tên hiệu là Kinh Dương Vương.
Thần Nông phát hiện ra trà thì có thể trà đã tồn tại trước cả khi xuất hiện Thần Nông, nhưng vì trước đó chưa có ai phát hiện ra nên có thể cho rằng công lao này thuộc về Thần Nông, vị tổ của người Việt.
Nếu như người Châu Âu di cư đến miền đất của tự do, thì người Việt, với một tấm lòng cầu đạo đã tìm đến mà mở rộng về phương Nam, tìm ra dải đất hình chữ S linh thiêng và tràn đầy năng lượng ở đây. Từ 5000 năm trước, chưa tồn tại hình thức nhà nước ở cả Đông Nam Á và cả Châu Á, mà chỉ là các bộ lạc đứng đầu là tù trưởng, vì chưa có hình thành tổ chức nhà nước nên không biên giới các quốc gia.
Tộc người Việt chúng ta may mắn có Thần Nông, tìm ra trà như một thần dược gói chúng ta có sức khỏe để thích nghi với đời sống còn sơ khai, hồng hoang và cũng giúp con người phát triển trí tuệ để đủ sức hóa giải những thách thức nguy hiểm rình rập từ các loài dã thú, thiên tai thập chí. Trong quá trình hái lượm chúng ra ăn phải thảo dược có chất độc mà cơ thể không đủ sức để hóa giải thì trà còn có tác dụng là thuốc giải độc.
Có thể nói rằng nguồn gốc của trà chính là nguồn gốc của người Việt, những con người biết trồng lúa nước, hái lượm, và cuộc sống dựa vào sự bao bọc của mẹ thiên nhiên.
Sau này các nghiên cứu về ngôn ngữ học chỉ ra mối liên hệ giữa từ “trà” với từ “cha” để muốn nói về vị Thần Nông, là cha của người Việt đã tìm ra chè rồi chế biến thành trà làm thứ thần dược, cùng với nhiều loài cây cỏ, nhiều thảo dược tốt nuôi nấng đàn con, tạo nên giống nòi Việt.