• +84 93 827 6789
  • TPP Tea Premium Place - 44 Đ. Yên Phụ, Trúc Bạch
  • hi.tinhthuong@gmail.com

Nhân dịp 20/10, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dành cho báo Phụ nữ Thủ đô một cuộc trò chuyện nhỏ thú vị xung quanh văn hoá uống trà của người Việt cũng như tác dụng của loại thức uống này đối với sức khoẻ nói chung và sắc đẹp phụ nữ nói riêng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, gần đây, ông hứng thú với văn hoá Trà Việt, dành thời gian tìm hiểu và uống trà đúng cách để bảo vệ sức khoẻ cũng như gìn giữ văn hoá uống trà lâu đời của người Việt mình. 

GS Nguyễn Lân Dũng

*Thưa giáo sư Nguyễn Lân Dũng, gần đây giáo sư rất quan tâm đến văn hoá Trà Việt, cũng không ngại chia sẻ điều đó với những người xung quanh. Là nhà sinh vật học, xin được hỏi giáosư là trà có tác dụng gì trong đời sống và nghiên cứu khoa học của giáo sư?

Thật tình, trước đây tôi không hề biết thưởng thức trà đúng nghĩa. Sang Trung Quốc tôi thấy lạ khi họ uống chén trà nhỏ như hạt mít, bàn pha trà thì lớn và khá cầu kỳ. Đến Đài Loan thì thấy du khách đua nhau mua trà Ô Long hay Thiết Quan Âm với giá không hề rẻ. Trước đây trong giao tiếp, tôi đôi lúc vẫn uống nước chè, nhưng là thứ nước chè pha loãng, cũng tương tự như nồng độ của nước vối. Gần đây tôi nhận được cuốn sách Văn hóa trà Việt (Hành trình tìm về bản thể)của tác giả Hà Huy Thanh gửi tặng, tôi đọc hết cuốn sách, rất hứng thú với văn hoá uống trà và bắt đầu pha trà theo đúng hướng dẫn. Sáng ngủ dậy, sau khi tập thể dục, tôi pha ấm trà và thưởng thức trước khi bắt tay vào làm việc. Thấy khác hẳn, một tách trà, một mẩu bánh ngọt, đủ thấy sảng khoái, minh mẫn và bắt tay vào đọc sách, viết sách hầu như thấy hiệu quả hơn rõ rệt.

*Cuốn sách “Văn hoá Trà Việt- hành trình tìm về bản thể” có gì đặc biệt mà thay đổi được thói quen, khiến Giáo sư hứng thú đến vậy ạ? Có phải vì đó là một nét đẹp văn hoá lâu đời của người Việt mình?

– Cuốn sách “Văn hoá Trà Việt- hành trình tìm về bản thể”của tác giả Hà Huy Thanh là một tác phẩm quý. Quý không chỉ vì là một tác phẩm sang trọng, mà chính vì nội dung rất phong phú, sâu sắc, hữu ích. Điều tâm đắc đầu tiên của tôi là tác giả đã tổng kết đầy đủ được các tác dụng của trà đối với sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần của con người. Ít ai biết tới 24 tác dụng tốt với cơ thể khi chịu khó uống trà mỗi ngày. Đúng là một thảo dược mà lại là một thức uống quen thuộc với mọi người. Trà làm tăng tuổi thọ, chống ôxy hóa, giảm nguy cơ bị ung thư, bị bệnh Parkinson, bị nhiễm HIV, hạn chế các bệnh tim mạch, tiểu đường, chống lão hóa, chống nhiễm khuẩn…Trà tác động tích cực đến tình cảm và trí tuệ con người, giúp tạo nên sự sảng khoái trong tình cảm, giúp ta có sự thỏa mãn về cảm xúc và cân bằng về tinh thần . 

Ở Trung Quốc, chè được dùng làm đồ uống và trở thành thương phẩm từ cách đây trên 2000 năm (Trung Quốc đại bách khoa toàn thư, phần Nông Nghiệp, trang 92). Trà là tiếng Trung Quốc, còn Chè là phiên âm sang tiếng Việt. Các học giả Trung Quốc cho rằng cây chè nguyên thủy có từ 3-4 nghìn năm trước. Việt Nam cũng đã có lịch sử lâu đời về cây chè. Có những vùng có rừng cây chè cổ thụ lâu đời như vùng Suối Giàng (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Yên Bái). Tại đây có cả rừng chè hoang mấy vạn cây, có cây cao tới 6-8m, ba người ôm không xuể gốc cây. Ở Lạng Sơn cũng có rừng chè hoang, có cây cao tới 18m. Có nghĩa là cây chè cũng đã có nguồn gốc lâu đời ở nước ta. Đáng chú ý là tên khoa học về cây chè có cả những tên xuất phát từ chè Việt Nam, như Camellia tonkinensis, C.vietnamensis, C.tamdaoensis. C. huulungensis. C. langbianensis… (Võ Văn Chi, Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam, NXB Giáo dục, 2007).

GS Nguyễn Lân Dũng và tác giả Hà Huy Thanh

* Trà rất tốt cho sức khoẻ, văn hoá uống trà Việt gần đây cũng được nhiều học giả kêu gọi cần giữ gìn và phát huy trong đời sống hôm nay. Tuy nhiên, lâu nay người ta hoang mang về tình hình chè “bẩn” do phun thuốc, ướp hương liệu gây ảnh hưởng cho sức khoẻ của con người. Giáo sư có lời khuyên gì cho một ngành công nghiệp chè sạch mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện?

– Chè/Trà là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Chất lượng chè xuất khẩu luôn đảm bảo và nhận được sự đánh giá cao của các nước nhập khẩu chè của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp để bảo vệ chất lượng chè và phát triển ngành công nghiệp này. 

Tuy nhiên, chè khác với rau xanh. Để chống côn trùng với rau xanh có thể trồng trong nhà lưới, trồng thủy canh trong nhà thắp sáng… Chè mọc trên các đồi nương rộng lớn nên không thể có cách gì bao che được. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất có hiệu quả nhưng là kẻ thù của xuất khẩu. Với các kỹ thuật phân tích hiện đại như sắc ký lỏng cao áp thì một vết thuốc trừ sâu, trừ nấm vẫn dễ dàng phát hiện. Nguy cơ trả lại hàng xuất khẩu vì thuốc bảo vệ thực vật là rất đáng lo ngại. Nghĩ đến điều này nên tôi và các đồng nghiệp trẻ đang triển khai việc nghiên cứu việc sản xuất và sử dụng thuốc trừ sâu vi sinh vật (hoàn toàn vô hại) để bảo vệ chè. Trước mắt còn không ít khó khăn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để thực hiện hướng nghiên cứu rất cần thiết này.

*Như trong cuốn “Trà Việt- Văn hoá tìm về bản thể” của Hà Huy Thanh có nêu rất nhiều tác dụng của trà đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn cho rằng trà là dành cho nam giới, còn phụ nữ ngại uống trà thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sắc đẹp, gây khó ngủ. Với quan điểm của một nhà khoa học, Giáo sư thấy trà có tác dụng ra sao với sức khoẻ và nhan sắc phái đẹp?

-Tuệ Tĩnh Thiền sư là một lang y sống ở giai đoạn cuối thời Trần. Ông được hậu thế suy tôn là tiên thánh của ngành thuốc Nam. Ông đã viết: Trà làm cho tâm hồn sảng khoái, thanh nhiệt cơ thể, uống một bát vạn nỗi ưu phiền tan biến. Tốt như thế thì phái đẹp không thể bàng quan với thứ uống kỳ diệu này. Sắc đẹp là thể hiện của sức khỏe. Có khỏe mạnh thì mới có nước da sáng, thân thể cân đối, mái tóc suôn mượt, cặp mắt tinh anh, đôi môi đỏ thắm. Trà là thần dược của tuổi thanh xuân, tác động rõ rệt lên giấc ngủ nếu uống trà hợp lý, làm tâm trạng sảng khoái, do đó ảnh hưởng tốt đến làn da, khóe mắt, có ảnh hưởng tốt đến dạ dày và trao đổi chất béo, hạn chế bệnh tật, cải thiện trí nhớ… và vì thế không thể khiến phái đẹp không quan tâm. Cần bỏ đi thành kiến cho rằng trà là dành cho nam giới, dành cho các bậc cao niên. Hãy uống trà hàng ngày vào lúc tâm hồn thư thái nhất và uống trà với tâm trạng tìm về bản thể nên đương nhiên là uống thong thả, với liều lượng vừa phải.

– Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Cuốn sách “Văn hoá trà Việt- hành trình tìm về bản thể” của tác giả Hà Huy Thanh là những nghiên cứu sâu sắc về “hành trình” của văn hoá trà Việt Nam. Tác phẩm đem đến những kiến thức uyên thâm về trà Việt, đồng thời khiến người đọc tự hào về văn hóa uống trà đã tồn tại lâu đời trên đất Việt, song song với lịch sử phát triển thăng trầm hàng ngàn năm của dân tộc.

Đăng ký nhận thông tin

Đăng ký nhận thông tin